Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Lăng kính: Bữa sáng no nê và bi kịch của sự… thịnh vượng

Sự hào nhoáng giả tạo của Premier League đang dần trở thành “mồ chôn” các đại diện nước Anh ở đấu trường châu lục.

1. Ngày Carlo Ancelotti đặt chân đến xứ sở sương mù vào mùa Hè năm 2009 để sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu mới cùng Chelsea, nhà cầm quân người Ý đã hoàn toàn bị “sốc” bởi… bữa sáng của những người Anh. Cụ thể, thay vì chỉ điểm tâm nhẹ nhàng bằng bánh ngọt và trà giống như ở Italia, dân Ăng-lê lại có xu hướng “ăn mặn” hơn rất nhiều, với cơ man nào là trứng ốp, thịt, sữa, bánh mỳ, pho-mát, xúc xích…
Ở một góc độ nào đó, không đơn thuần chỉ là bữa sáng mà ngay cả cách thưởng thức bóng đá của người Anh cũng hoàn toàn trái ngược so với người Ý. Tại Calcio, các khán giả thường thích trầm ngâm cùng những trận cầu chậm rãi và nặng mùi toan tính chiến thuật.
Mặc dù vậy, đối với người Anh, điều này có lẽ chỉ giữ tác dụng giống như những… liều thuốc ngủ, không hơn không kém. Đơn giản, bởi các CĐV đến từ xứ sở sương mù luôn biết cách tôn thờ bầu không khí nóng bỏng trên sân cùng lối chơi “kick and rush” (chạy và sút) truyền thống.
Premier League đang phải trả giá từ chính sự thịnh vượng của mình. Ảnh: Internet.
Premier League đang phải trả giá từ chính sự thịnh vượng của mình. Ảnh: Internet.
2. Nhìn vào “tập quán” ăn sáng, có thể tạm thời kết luận rằng… người Italia đang nghèo hơn người Anh được không?
Thực tế cũng cho thấy, nếu như vấn đề tài chính đã trở thành nỗi ác mộng của phần lớn các CLB Serie A trong suốt nhiều năm gần đây thì Premier League lại “sống vương giả” nhờ vào nguồn ngân sách dồi dào. Ngay cả một đội bóng tầm tầm bậc trung ở nước Anh, như West Ham United, Stoke City hay Everton chẳng hạn, cũng sở hữu quỹ chuyển nhượng vượt trội so với những đại diện “máu mặt” khác tại Calcio.
3. Tuy nhiên, sự chênh lệch về giá trị tiền bạc không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công. Ở một môi trường tưởng chừng như thịnh vượng nhất, người Anh lại vô tình tạo nên sự thoái trào đầy khó hiểu.
Theo đó, khi mà phần lớn các đội bóng nhỏ tại Premier League đều giàu lên một cách nhanh chóng, đồng nghĩa rằng trong mỗi mùa giải, số lượng những kẻ được xem là “hiện tượng” sẵn sàng ngáng đường các đại gia ở giải Ngoại hạng cũng tăng… phi mã. Hệ quả là những Chelsea, M.U, Arsenal, Man City cũng phải chật vật và tốn nhiều sức lực hơn cho mỗi trận đấu ở giải quốc nội.
Chưa kể, lịch thi đấu “quá tải” xuyên suốt giai đoạn Giáng sinh và kỳ nghỉ năm mới của người Anh cũng khiến cho các cầu thủ không còn duy trì được nền tảng thể lực cần thiết. Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao các đội bóng đến từ đảo quốc sương mù thường xuyên gặp vấn đề ở vòng knock-out Champions League.
Các đại diện nước Anh thường xuyên "mệt mỏi" khi bước ra sân chơi châu lục. Ảnh: Internet.
Các đại diện nước Anh thường xuyên “mệt mỏi” khi bước ra sân chơi châu lục. Ảnh: Internet.
4. Theo thông tin mới nhất, Premier League chỉ còn nhiều hơn Serie A khoảng 4000 điểm trên bảng xếp hạng UEFA. Chỉnh bởi vậy, trong trường hợp người Anh tiếp tục thi đấu “thất bát” tại cúp châu Âu năm nay, nguy cơ họ bị người Ý vượt mặt là hoàn toàn khả thi.
Nếu như điều này không may trở thành sự thật, nước Anh sẽ chỉ còn 3 đại diện được quyền tham dự Champions League từ mùa bóng 2016/2017, một nỗi sỉ nhục không thể tha thứ đối với giải đấu vốn mang trên mình cái mác là… hấp dẫn nhất hành tinh.
Đáp ứng kỳ vọng, Premier League thậm chí sẽ còn trở nên căng thẳng và “giàu tính cạnh tranh” hơn nữa. Bởi lúc này, cả Chelsea, M.U, Man City lẫn Arsenal hay Liverpool đều phải “bung sức” ra mà đá hết mình ở đấu trường quốc nội với hy vọng tìm kiếm một suất nằm trong “Big 3”, khái niệm có lẽ là hoàn toàn lạ lẫm đối với những khán giả nước Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét