Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Tiền đạo Boaz Salossa bị ốm nên không thể tập luyện

Tiền đạo Boaz Salossa bị ốm nên không thể tập luyện cùng Indonesia trong buổi tập hôm qua.

"Sát thủ" số 1 của ĐT Indonesia bị ốm
Trong buổi tập đầu tiên vào hôm qua (29/11) sau 3 ngày nghỉ ngơi, ĐT Indonesia đã không có sự phục vụ của tiền đạo Boaz Salossa. Lý do không phải là chấn thương như một số thông tin mà chân sút này bị ốm. “Tôi không hiểu rõ lắm bệnh tình của cậu ấy nhưng Boaz bị nôn mửa nên cần được nghỉ ngơi”, báo chí Indonesia trích lời trợ lý Wolfgang Pikal.

Tuy nhiên, tình hình có vẻ không quá nghiêm trọng bởi cũng theo báo chí xứ Vạn đảo, đội trưởng của Indonesia nhiều khả năng sẽ trở lại tập luyện trong hôm nay (30/11). 4 ngày nữa trận bán kết lượt đi mới diễn ra nên còn nhiều thời gian để Boaz phục hồi và sẵn sàng ra sân. 

Boaz là chân sút cực kỳ nguy hiểm của Indonesia. Anh sở hữu đủ mọi tố chất của một chân sút hàng đầu khi sở hữu  sức mạnh, khả năng tì đè, sự nhạy bén trong khu vực 16m50, kỹ năng xử lý bóng rất chuẩn xác… Sau vòng bảng, Boaz ghi được 2 bàn thắng cho đội bóng xứ Vạn đảo.

Cũng liên quan đến tình hình nhân sự của Indonesia, đội chủ nhà sẽ vắng 2 trung vệ Fachrudin Aryanto và Rudolof Basna ở lượt đi do đã lãnh 2 thẻ vàng. Nhưng dường như sự vắng mặt này không khiến ông Alfred Riedl quá lo lắng. “Tôi đã có phương án thay thế. Tất nhiên, tôi không thể nói rõ với báo chí được”, ông thầy người Áo trả lời truyền thông Indonesia.

Là trụ cột nhưng Fachrudin Aryanto và Rudolof Basna chơi không thực sự quá xuất sắc khi thường xuyên mắc lỗi. Đó là lý do khiến Indonesia trở thành đội thủng lưới nhiều thứ 2 với 7 bàn sau vòng bảng. Hiện, ông Alfred Riedl vẫn còn 3 trung vệ khác gồm Gunawan Dwi Cahyo, Hansamu Yama và Manahati Lestusen.

Tại xứ Vạn Đảo, môn thể thao vua đóng vai trò như một quân trên bàn cờ

Có lẽ ít nơi trên thế giới mà bóng đá bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính trị như Indonesia. Tại xứ Vạn Đảo, môn thể thao vua đóng vai trò như một quân trên bàn cờ của những chính trị gia giàu có và lắm quyền lực.

Những bí mật của nền bóng đá Indonesia

Hai giải VĐQG song song

Năm 2011, một sự kiện vô tiền khoáng hậu xảy ra với bóng đá Indonesia: Tỷ phú dầu mỏ Arifin Panigoro vì quá bức xúc với cách điều hành của PSSI, liên đoàn bóng đá nước này, đã đứng ra thành lập một giải đấu riêng có tên gọi Indonesia Premier League. IPL tồn tại song song với giải VĐQG do PSSI điều hành, khiến cho Indonesia có hai giải VĐQG được tiến hành đồng thời.

Đó chỉ là một giọt nước làm tràn ly ở nền bóng đá được xem là phức tạp nhất thế giới, nơi môn thể thao vua bị thao túng bởi những mưu đồ chính trị. Các chính trị gia, thông qua đội bóng mà mình ủng hộ, để tiếp xúc cử tri và lôi kéo họ về đảng phái của mình. 

Tình trạng này đẩy bóng đá Indonesia vào trạng thái hỗn loạn với các trận đấu nhuốm màu bạo lực, những cuộc tuần hành chính trị nhân danh bóng đá. Tình trạng tham nhũng và bán độ diễn ra như cơm bữa cũng làm cho bóng đá Indonesia suy yếu nghiêm trọng, thể hiện ở những màn trình diễn cấp độ ĐTQG.

Chính trị đã làm nền bóng đá của xứ Vạn Đảo càng ngày càng suy yếu
Chính trị đã làm nền bóng đá của xứ Vạn Đảo càng ngày càng suy yếu

IPL được thành lập khi các tỷ phú làm bóng đá giàu nhất quyết định ly khai khỏi PSSI, vốn đã mục ruỗng tới móng dưới sự điều hành của chủ tịch Nurdin Halid. Nurdin Halid cũng là một trường hợp chủ tịch liên đoàn đặc biệt chưa từng có trong lịch sử bóng đá. 

Năm 2007, người đàn ông sinh năm 1958 bị kết tội tham nhũng tài sản công 169 tỷ rupiah tiền buôn bán dầu và phải chịu án tù 2 năm. Thế nhưng Nurdin Halid vẫn tiếp tục là chủ tịch PSSI đến tận năm 2011.

Giống như nhiều quan chức bóng đá khác của Indonesia, Nurdin Halid cũng xuất thân từ chính trị gia. Ông là một trong những người điều hành đảng Golkar. Đó là nguyên nhân vì sao năm 2011, PSSI tham gia một hoạt động chẳng liên quan gì đến bóng đá, đó là làm giám sát cho cuộc bầu cử tổng thống của Indonesia. Vì hoạt động này, PSSI đã bị FIFA cảnh cáo và phải bầu ra một chủ tịch mới thay thế cho Nurin Halid.

Điều này khiến cho Aburiezal Bakrie, doanh nhân thành đạt nhất Indonesia, đồng thời là chủ tịch đảng Golkar giận dữ. Mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng khi Nirwan Bakrie, em trai của Aburizeal bị FIFA cấm không cho tham dự cuộc bầu cử.

Ông cho rằng FIFA đã quá “độc tài” khi can thiệp vào “việc riêng” của một liên đoàn thành viên. Cùng với những tỷ phú khác, Aburiezal tẩy chay BLĐ mới của PSSI do tân chủ tịch Djohar Arifin Husin đứng đầu. Quyết định ly khai được đưa ra và IPL được thành lập với sự tham gia của các đội bóng giàu có nhất Indonesia.

Chân dung Aburiezal Bakrie - người đứng ra thành lập một giải VĐQG mới ở Indonesia
Chân dung Aburiezal Bakrie - người đứng ra thành lập một giải VĐQG mới ở Indonesia

Mang danh là giải đấu “ly khai” và không được chấp nhận bởi FIFA, nhiều liên đoàn thành viên cấm cầu thủ của họ không được tham dự IPL. Tuy nhiên sức mạnh của đồng tiền là thứ cám dỗ không dễ để chống lại. 

Ngôi sao của Malaysia, Safee Sali, người từng ghi cú đúp vào lưới ĐT Việt Nam ở bán kết AFF Suzuki Cup 2010 là một ví dụ. Mặc dù bị LĐBĐ Malaysia đe dọa sẽ bị loại khỏi ĐTQG, Safee Sali vẫn “bất chấp tất cả” để ký hợp đồng với Pelita Jaya, đội bóng được chống lưng bởi tỷ phú Aburiezal Bakrie và tham dự IPL. Safee Sali nhận được mức lương 10.000 USD/tháng để sẵn sàng “Nói Không” với ĐTQG!

Mọi chuyện chỉ được giải quyết vào ngày 17/03/2013 trong đại hội bất thường của PSSI. Theo đó giải VĐQG sẽ được thống nhất trở lại với tên gọi Indonesia Super League và có 22 đội tham dự. 7 đội xếp cao nhất của IPL mùa 2012/13 sẽ được đặc cách tham dự giải đấu “hòa hợp”.

Vòng tròn luẩn quẩn

Đa số các chuyên gia theo dõi cuộc khủng hoảng của bóng đá Indonesia giai đoạn 2011-2013 đều cho rằng mọi sự can thiệp từ bên ngoài không thể thay đổi được những đặc tính gốc rễ ảnh hưởng mạnh mẽ đến môn thể thao vua trên xứ nghìn đảo. 

Với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ có tổng diện tích 1,9 triệu km vuông và dân số lên đến hơn 260 triệu người (đứng thứ 4 thế giới), Indonesia có một hệ thống địa chính trị vô cùng phức tạp. Những đảng phái ở quốc gia này thường xuyên xảy ra xung đột do hệ tư tưởng đối lập nhau, dẫn đến một nền tảng hành chính suy yếu trầm trọng bởi lợi ích nhóm và các mưu đồ triệt tiêu phe đối lập.

Bóng đá trong môi trường đó trở thành một công cụ làm chính trị hữu hiệu. Các chính trị gia, núp dưới hình thức đầu tư cho môn thể thao vua, tạo nên một hình ảnh tích cực trước mắt các cử tri. Họ xem bóng đá là cây cầu gần gũi nhất để lôi kéo những người ủng hộ về phía mình. Mỗi đội bóng, từ màu áo đến logo, vì thế đều truyền tải những thông điệp cụ thể của ông chủ.

Các chính trị gia đang tận dụng bóng đá để làm công cụ cho mục đích chính trị của mình
Các CLB ở Indonesia vì thế không đại diện cho một cộng đồng dân cư hay một khu vực như bình thường ở các quốc gia khác mà phải gồng lên để “đại diện” cho cả một hệ tư tưởng mà ông chủ của họ, cũng là những chính trị gia, áp đặt. Các CĐV của đội bóng, đồng thời cũng là những cử tri mà các chính trị gia cần hướng đến, vô tình rơi vào vòng xoáy của trò chơi chính trị.

Những cuộc tuần hành nhân danh bóng đá là điều dễ nhận thấy nhất trong vòng xoáy này. Rất khó phân biệt được một cuộc tuần hành với mục đích chính trị với một cuộc diễu hành của các CĐV bóng đá ở Indonesia. Đám đông mặc cùng một màu áo, cùng một biểu tượng và cùng hô vang những khẩu hiệu sặc mùi chính trị đã được các ông chủ tính toán rất kỹ về tính thông điệp.

Trong một bối cảnh chung như thế, việc tách rời bóng đá khỏi chính trị là một điều không tưởng. Các đội bóng không thể tồn tại nếu thiếu “bầu sữa” từ các ông chủ chính trị gia. 

Ngay cả những CĐV tỉnh táo nhận ra sự thao túng đầy mưu toan của những người lãnh đạo cũng phải thừa nhận rằng tình trạng này không thể thay đổi nếu tình trạn bất ổn ở Indonesia vẫn tiếp tục. Một số đông người dân thậm chí đã chấp nhận sự “lập lờ” giữa các hoạt động thể thao đơn thuần và những cuộc vận động chính trị. 

Các đội bóng tham gia không còn vì đam mê, mà vì một vài mục đích của các ông chủ
Các đội bóng tham gia không còn vì đam mê, mà vì một vài mục đích của các ông chủ

Tình trạng này dẫn đến một nền thể thao thiếu sự sòng phẳng và tính công minh cần thiết, những đặc tính hoàn toàn “không cần thiết” trong các cuộc chơi chính trị. Các đội bóng và cầu thủ đôi khi phải chấp nhận chơi bóng không phải vì đam mê và tinh thần chuyên nghiệp mà để phục vụ cho “yêu cầu đặc biệt” từ các ông chủ. 

Hệ quả tất yếu là các tệ nạn như tham nhũng và bán độ, khiến bóng đá Indonesia mất niềm tin nghiêm trọng từ cộng đồng quốc tế. FIFA đã có những can thiệp mạnh mẽ với bóng đá Indonesia trong vài năm gần đây, nhưng những hành động của cơ quan quyền lực cao nhất bóng đá thế giới cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Sau Nurdin Halid, PSSI đã có thêm 4 vị chủ tịch mới và đều được bầu lên ở những giai đoạn nhạy cảm. 

Đó gần như là một hành động đối phó với sự giám sát của FIFA hơn là mong muốn thay đổi mạnh mẽ từ nội tại. Với một nền bóng đá ốm yếu và có quá nhiều vấn đề nội bộ như thế, thật khó tin nếu Indonesia sớm thoát ra khỏi vùng trũng Đông Nam Á, dù với dân số đông và truyền thống bóng đá, họ đủ sức để làm được điều đó.

Hôm nay, ĐT Việt Nam sẽ lên đường đến Indonesia chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi

Hôm nay, ĐT Việt Nam sẽ lên đường đến Indonesia chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi. Một hành trình dài với rất nhiều thách thức bởi đường thì xa mà đối thủ thì quá quen thuộc.

ĐT Việt Nam & chiến dịch chinh phục vạn đảo

Với ĐT Việt Nam, ĐT Indonesia là một cái tên quen thuộc. Từ HLV, đến các cầu thủ và thậm chí là bầu không khí bóng đá, hành trình di chuyển đến xứ Vạn đảo đều được các thành viên của ĐT Việt Nam thuộc lòng. Thậm chí, có nhiều người tiếc khi phải gặp ĐT Indonesia quá sớm. Bởi lẽ, nhiều người Việt Nam vẫn còn dành tình cảm đặc biệt cho HLV Alfred Riedl nên không muốn hai đội tuyển buộc phải loại nhau ở bán kết.

Bóng đá không có chỗ cho tình thân. Bản thân HLV Riedl cũng hiểu rằng, nếu ông thua ĐT Việt Nam thì khó lòng giữ được cái ghế đang ngồi. Thế nên, trong cuộc đấu này, ĐT Việt Nam và người bạn lớn của bóng đá Việt Nam, ông Riedl sẽ phải chơi với tất những gì mình có để tìm kiếm vinh quang cho bản thân.


Và, chắc một điều, ĐT Việt Nam thấu hiểu đối thủ thì ở phía ngược lại, thầy trò ông Riedl cũng thuộc làu từng cái tên, từng điểm mạnh, điểm yếu của Công Vinh, Văn Quyết và các đồng đội. Băng ghi hình các trận đấu của ĐT Việt Nam ở vòng bảng cũng được đối thủ thu thập. Các phương án về chuyên môn cũng đã được chuẩn bị nhằm hóa giải lối chơi của ĐT Việt Nam.

Vậy nên, hành trình chinh phục xứ vạn đảo sắp tới được dự báo là vô cùng kịch tính. Sự thấu hiểu lẫn nhau khiến trận đấu trở nên khôn lường. Muốn có vinh quang, hơn lúc nào hết, HLV Nguyễn Hữu Thắng phải quên những gì đã có ở hai trận giao hữu vừa qua. Trận hòa ở sân khách, trận thắng tại sân nhà chỉ mang ý nghĩa tham khảo bởi đá với ĐT Việt Nam lúc này sẽ là một ĐT Indonesia khác. 

Họ mạnh mẽ, quyết liệt và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nhưng, cũng phải nhấn mạnh là chúng ta cũng đã hoàn thiện hơn so với trước AFF Suzuki Cup và đó chính là điều kiện để hướng đến một trận đấu thành công.